Tôi hỏi bạn mình, “Nộp hồ sơ học bổng xong rồi bạn thấy sao?”
Hình như tôi chưa từng theo đuổi mãnh liệt điều gì đó, chưa từng thuyết phục người khác trao cho mình cơ hội to lớn hơn so với điều kiện thực tế của mình. Một cách nào đó, những cơ hội thường là tự đến, sau những nỗ lực cũng vừa phải; hoặc là tôi chỉ dám chạm đến những thứ tôi cho rằng trong tầm tay.
Có khi nào do tôi thiếu tham vọng, tôi không dám mơ ước xa vời vợi; hoặc là do tôi đã chọn một đời sống tự do, phóng khoáng, không cần quá cố leo những nấc thang được định ra sẵn. Hay là do tôi không thấy có điều gì quan trọng đến mức phải giành lấy, phải thuyết phục người khác trao nó cho mình. Hay là tôi không biết mình có cơ hội để giành lấy.
Cái hay của việc tôi được nuôi lớn theo cách có thể tự do làm theo ý mình là có thể sống đúng với bản thân. Có điều, môi trường mà một người lớn lên giới hạn những hiểu biết của họ về thế giới. Một vườn hoa hồng rất đẹp, nhưng những bông hoa hồng ấy không biết đến sự tồn tại của những bông hoa đẹp khác. Tôi đúng thật là đã được tung hoành trong thế giới của sự hiểu biết có hạn.
Nhìn về hồi mình vào cấp 3, đã có lúc tôi tiếc nuối: “Sao hồi đó mẹ không thúc con vô trường chuyên?” Ngày ấy, vì đoạt giải học sinh giỏi văn cấp thành phố ở cấp 2, một trường chuyên tuyển thẳng tôi vào. Tôi chọn học Phú Nhuận vì được học cùng nhiều bạn thân cấp 2.
Nghĩa lại chuyện ấy, dù vẫn tự hào về Phú Nhuận, thú thật là tôi giá như mình đã quan tâm đến giáo dục nhiều hơn, sớm hơn. Nhưng tôi không nghĩ mãi về “giá như”. Giờ tôi nghĩ, liệu có điều gì quan trọng với tôi đến mức, cần trèo đèo lội suối đến mấy thì tôi cũng làm cho bằng được. Hơn nữa, chắc tôi cần nhận diện tốt hơn thế nào là một mơ mộng hão huyền và một tham vọng có khả năng hiện thực hoá.
Đứa trẻ cần được gieo vào đầu những điều lớn hơn cả bản thân nó.
Có lần tôi nghe một câu chuyện từ podcast của một chị kể, ở trường của con chị, học sinh từ lớp 1 đến lớp 2 trong ngày đầu tiên đi học sẽ được tặng một cuốn sách mang tên Never Too Young - 50 trẻ em đã tạo nên sự tác động tích cực đến thế giới. Cuốn sách khuyến khích trẻ em theo đuổi những điều mà mình cho là đúng đắn.
Lúc trò chuyện với bạn về học bổng, bạn có nói rằng giờ mình đã biết thuyết phục người khác trao cho mình cơ hội; hồi trước thì ai muốn trao thì trao không thì thôi. Nghe bạn nói, tôi ngẫm nghĩ, có lẽ tôi cũng bắt đầu dám cho rằng mình xứng đáng để người khác đầu tư cho mình. Thuyết phục là điều gì đó thật chính đáng, khi tôi tin rằng những điều mình đang làm là chính đáng; khi trong lòng tôi có kế hoạch tìm cách trả lại những điều mình được nhận bằng cách trao đi cho cộng đồng.
Khao khát được hưởng một nền giáo dục tốt hơn.
16 năm đi học, tôi đã là một học sinh giỏi biết bằng lòng với nền giáo dục mình được nhận. Tôi bảo giỏi không phải là để khoe, mà để làm rõ hơn một tâm lý rằng, ngay cả khi tôi cho rằng mình là một đứa có khả năng học, thì tôi cũng đã chưa từng khao khát về bất kỳ ngôi trường trong mơ nào. Với tôi lúc ấy, ngày ra trường là ngày được bước vào trường đời, nơi tôi có thể học được những bài học cần thiết hơn. Với tôi lúc ấy, những lò luyện thi đầy những tiêu cực thành tích. Tôi đã không thể hiểu về giáo dục như cách tôi đang hiểu bây giờ, là để mình thoả trí tò mò, để mình giải quyết những vấn đề làm mình đau đáu, để đạt được một ước mơ thuở nhỏ, để khám phá những ước mơ thuở lớn. Biết mơ lớn, biết khao khát được hưởng một nền giáo dục tốt hơn, không phải ai cũng có.
Trở thành một người dám thuyết phục: Hãy đầu tư cho tôi.
Có những cách nghĩ cũ đã sụp đổ. Có những khao khát mới được sinh ra. Đã vài ba năm kể từ ngày tôi xây dựng cho mình tinh thần của một life-long learner. Tôi tiếp tục vào trường đại học với ngành Psychology, cùng sự tò mò và mong muốn mình có thể tạo dựng được sự tác động xã hội tương thích hơn với những giá trị mà mình coi trọng. Tôi có dịp hình thành một nhận thức đúng đắn hơn về giáo dục, và so sánh với phiên bản tôi trên giảng đường năm xưa. Nhưng vẫn là tôi đó, với ánh nhìn rằng liệu tôi có dốc lòng dốc sức để giành lấy, để thuyết phục người khác đầu tư cho mình cơ hội được đi học ở một nền giáo dục tốt hơn. Và cũng là một tôi mới, khi biết rằng mình đã tự gieo cho mình những hình dung bao la hơn, đặt mình vào một môi trường của những tấm gương dám kéo dài tâm trí chạm lấy những gì cao xa.
Dù tôi cũng cho rằng không bao giờ là quá trễ, dù tôi cổ vũ việc mỗi cuộc đời có những trình tự riêng biệt, không thể phủ nhận rằng có những điều quan trọng tôi ước mình đã hiểu đúng sớm hơn. Nhưng điều đáng mừng là tôi dám thay đổi nhận thức qua từng năm. Tôi đã khác đi nhiều, kể từ lần cuối năm tôi 18 tuổi. Với tôi, khả năng thay đổi của con người là tuyệt diệu, thích ứng với những điều làm mình thấy được rộng mở là một trải nghiệm giàu có. Đó cũng là lý do vì sao mà tôi viết, để những thay đổi trong nhận thức của mình cũng dẫn đến những thay đổi trong bạn đọc.
Bài viết thuộc thử thách Viết Tiếp Sức mùa 3 của cộng đồng cựu học viên Writing On The Net (bởi MỞ - Mơ và Hỏi).
Photo by Kouji Tsuru on Unsplash
đọc bài này tới đâu là mình thấy touching tới đó, một mặt thì khá tiếc nuối vì chưa từng được gieo vào điều gì đó lớn hơn cả bản thân mình (khi còn là 1 đứa trẻ) cả, và cũng chưa từng mạnh mẽ đứng ở đâu đó để nói rằng hãy đầu tư cho tôi. nhưng nói 1 cách nào đấy thì, bài viết này cũng gieo vào đầu mình 1 cái gì đó nhen nhóm đúng tinh thần như vậy, nó không phải kiểu đao to búa lớn hô hào lên, nó rất là nhỏ nhẹ vừa đủ thôi, nhưng đủ để nghĩ về nó nhiều hơn 1 chút.
cảm ơn tác giả vì một bài viết chất lượng nhéee
bài của chị chạm tới em qua từng con chữ, từ những lý do cho đến việc xin học bổng du học.
Em cũng là người không có tham vọng cao lắm, "ai muốn trao thì trao" có thể do em "không cần quá cố để leo các nấc thang đặt sẵn" hoặc do em không dám đặt kì vọng cao. Nhưng mà đọc xong câu "cần nhận diện tốt hơn thế nào là một mơ mộng hão huyền và một tham vọng có khả năng hiện thực hoá" làm em phải suy nghĩ lại rất nhiều luôn á.
Không những chạm, không những soi chiếu lại bản thân mà bài này còn truyền động lực cho em tìm kiếm học bổng nữa =)))))))))). Cảm ơn bài tuyệt cà là vời này của chị nhiềuuuuuuuuuuuuuuuuuuuu.